Độ pH của da là gì?

Da không có pH! Nhưng lớp bã nhờn (Sebum) được tiết ra từ lỗ chân lông phủ lên da, có độ pH là 4-5. Nhờ độ pH axit này mà da bình thường có khả năng „kháng khuẩn“. Nếu độ pH này bị thay đổi mất cân bằng, đặc biệt là tăng độ pH thì da dễ bị vi khuẩn xâm nhập, trở nên khô, nhạy cảm, dễ bị mụn hay các bệnh ngoài da (Ekzem).

Nước máy có tác động gì đến da?

Nước thường có độ pH là 7, thế nhưng một số vùng nước bị „cứng“, chứa một lượng lớn các Ion kim loại như Calcium 2+ và Magnesium 2+. Bình thường ở nhiệt độ thường 20-25 độ các Ion kim loại này ở dưới dạng muối tan trong nước (Calciumhydrogencarbonat hay Magnesiumhydrogencarbonat). Khi nhiệt độ của nước tăng, các muối này kém bền có xu hướng kết tủa.

Ví dụ ở Đức, do trời lạnh, chúng ta thường hay rửa mặt bằng nước ấm. Nhiệt độ nước tăng lên, làm cho các muối của 2 kim loại kia bị kết tủa một phần (Calciumcarbonat hay Magnesiumcarbonat). Nếu chúng ta quan sát thì sẽ thấy nước ấm thường có màu đục như vôi là vậy. 
Tùy vào độ cứng mà nước máy có độ pH có thể lên tới 9, sẽ làm thay đổi độ pH của da. Da sẽ trở nên nhạy cảm hơn và dễ bị khuẩn tấn công. Nếu sau khi rửa mặt, để mặt tự khô mà không thấm bớt nước cứng này đi, thì những kết tủa này phần lớn sẽ nằm trên mặt. Về lâu dài các khoáng chất này nằm trên da, làm cho da trở nên khô và „giòn“. Đặc biệt, nếu da không được dưỡng ẩm đầy đủ, dẫn đến thiếu chất béo và dầu, có thể tạo ra những vết nứt nhỏ trên da, qua đó khoáng chất có trong nước cứng và cả bụi bẩn hay khuẩn đều có thể xâm nhập vào. Bằng cách này, mụn bọc, mụn nhọt và thậm chí cả bệnh chàm có nhiều khả năng phát triển hơn.
Đây có lẽ là một lý do chính mà phần lớn các bạn khi ở Việt Nam da bình thường, nhưng lúc sang Đức da có sự thay đổi, bị mụn và khô hơn. Do nước ở Đức thường cứng hơn và các bạn có xu hướng dùng nước nóng từ vòi nhiều hơn.

Toner giúp cân bằng độ pH?

Ngoài cách lọc nước để rửa mặt, chúng ta có thể sử dụng Toner để loại bỏ các ion kim loại hay các khoáng chất kết tủa của nước khỏi bề mặt da. "Toner thường" với pH-hautneutral (có độ pH từ 4-5) hoặc những Toner axit (pH<4) sẽ giúp hạ độ pH của da xuống nhanh, nhờ vậy độ pH của da sẽ về trạng thái ổn định nhanh hơn. Do đó có thể nói Toner giúp cân bằng độ pH của da, phục hồi lớp axit tự nhiên của da.
Nếu da không sử dụng Toner, lại tiếp xúc với nước cứng, như vậy các Ion kim loại đặc biệt là Calcium 2+ trong nước cứng sẽ lưu lại trên da. Khi chúng ta bôi kem dưỡng, Ion này có khả năng liên kết với các chất trong Emulgatorsystem (hệ nhũ hóa), làm thay đổi “điểm đặng điện”( isoelectric point) của sản phẩm trên da, dẫn đến kết cấu sản phẩm bị thay đổi, không thấm vào da mà có khả năng tích tụ một lượng sản phẩm trên bề mặt da, làm giảm độ hiệu quả của sản phẩm khi bôi. 

Chính vì vậy việc sử dụng Toner là một bước rất quan trọng trong routine chăm sóc da.